0868.979.156

Hotline bán hàng

Giao hàng Toàn Quốc

Từ 2 đến 5 ngày

Kỹ thuật trồng cây thanh long cho ra hoa trái vụ

Shop Vật Tư Nông Nghiệp 3 năm trước 3168 lượt xem

Cây thanh long là một loại cây ăn quả độc đáo, có những kỹ thuật trồng và chăm sóc riêng. Là một loại cây ăn quả thuộc họ xương rồng, với vẻ bên ngoài độc đáo và đẹp mắt, cùng với các công dụng tốt cho sức khỏe nên quả thanh long luôn được thị trường ưa c

    Cây thanh long là một loại cây ăn quả độc đáo, có những kỹ thuật trồng và chăm sóc riêng. Là một loại cây ăn quả thuộc họ xương rồng, với vẻ bên ngoài độc đáo và đẹp mắt, cùng với các công dụng tốt cho sức khỏe nên quả thanh long luôn được thị trường ưa chuộng.

    Hầu như các cây thuộc họ xương rồng khá khó trồng và cả trong khâu chăm sóc cũng đòi hỏi kỹ thuật của người canh tác. Đặc biệt có thể xử lý trái vụ và cho thu hoạch liên tục cả năm. Vậy làm cách nào để cây cho trái cả năm mà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt?

    I. Tổng quan về cây thanh long

    Đây là loại cây có nguồn gốc nhiệt đới, Đã là họ xương rồng thì chắc chắn sẽ có khả năng chịu hạn giỏi nên trồng được ở những vùng nóng, có nơi lên đến 500C – 550C, nhiệt độ tối thiểu phải từ 140C – 260C.
     

    Cây thanh long mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nhà nông


    Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á trồng thanh long. Những vùng trồng thanh long chủ yếu là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

    II Kỹ thuật trồng cây thanh long

    1. Thời vụ trồng

    Vào khoảng tháng 10 – 11 Dương lịch hằng năm, các vườn thanh long bắt đầu cắt tỉa cành, đây sẽ là nguồn giống để cho những vụ trồng mới. Đây là thời điểm cuối mùa mưa, nên có thể tận dụng được lượng nước mưa cuối mùa, và có ẩm độ cao mà không bị ngập úng.

    Nhưng cây vừa mới trồng sẽ còn yếu, không đủ sức chống chịu trong mùa nắng tiếp tục. Nên phải tưới nước đầy đủ, giữ ẩm tốt cho cây.

    Riêng những vùng thiếu nguồn nước tưới thì có thể trồng vào đầu mùa mưa. Vì thời điểm này không trùng với việc cắt tỉa cành thanh long nên sẽ không có nguồn giống dồi dào như cuối mùa mưa. Bà con phải lên kế hoạch và chuẩn bị hom giống từ trước.

    2. Chuẩn bị đất trồng

    Cây thanh long không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất như đất cát, đất thịt hay đất xám bạc màu…. tốt nhất là trồng trên đất phèn nhẹ hoặc đất phù sa phủ trên nền phèn không quá chua, đất không bị nhiễm mặn và có hàm lượng chất hữu cơ cao.

    Trước khi trồng thì đất phải được cày bừa trong mùa nắng thật kỹ càng và tơi xốp, được dọn sạch tàn dư thực vật của các loại cây trồng trong mùa vụ trước đó cũng như cỏ dại, phải bố trí các hệ thống thoát nước đầy đủ vì rễ thanh long là loại rễ bàng, ăn cạn nên rất kị đất bị ngập úng.   

    Ở các vùng đất thấp như vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì làm mương rộng từ 1 – 2 m, lên liếp rộng 6 – 7 m và thiết kế dọc theo hướng Bắc – Nam, kích thước mô từ 80 – 30 cm. Chiều cao mặt liếp so với mặt nước trong mương khoảng 40 cm.
     

    Chuẩn bị đất trồng thanh long là một việc hết sức quan trọng


    Những vùng đất cao thì không cần làm mương, lên liếp mà làm bồn vun gốc đường kính từ 80 – 30 cm.

    3. Chuẩn bị hom giống

    Hiện nay trên thị trường có hai giống thanh long chính đó là thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ. Bà con có thể trồng cả hai giống trên cùng một vườn nhưng không nên trồng xen kẽ với nhau, mà nên phân chia theo khu vực để dễ chăm sóc, quản lý sâu bệnh và thu hoạch.

    Thanh long có thể trồng bằng hạt hoặc bằng hom giống (cắm cành). Trồng bằng hạt sẽ trồng được nhiều cây và đỡ tốn chi phí hơn trồng bằng hom, nhưng thời gian để cây phát triển thành cây trưởng thành và cho thu hoạch sẽ lâu hơn. Hiện nay, chủ yếu trồng bằng hom, còn thanh long trồng hạt chủ yếu để làm những cây cảnh.

    Hom giống có thể dùng các cành đã được cắt tỉa, nhưng để vườn thanh long đồng đều và cành hom sinh trưởng nhanh, phát triển tốt thì cần chọn lọc theo những tiêu chuẩn nhất định.
     

    Tiêu chuẩn chọn cành hom:

    • Chọn những cành có độ tuổi khoảng 1 – 2 năm trở lên, đã cho trái các vụ trước, và chọn các cành có gốc cành bắt đầu hóa gỗ để tránh bị thối cành. Không chọn những cành non hay cành vừa mới cho trái.
    • Cành hom cứng, khỏe, mập, có màu xanh đậm, dài từ 30 – 35 cm.
    • Hom sạch bệnh, không bị khuyết tật.
    • Các mắt mang chùm gai tốt, mẩy, có khả năng nảy chồi tốt.
    • Không chọn đoạn từ mắt gai ở đầu ngọn cành đếm xuống 3 mắt, mà bắt đầu chọn từ mắt thứ 3 đó, mỗi hom chừa ít nhất 2 – 3 mắt gai.

    Khi đã chọn được những hom giống tốt thì gọt bớt phần vỏ ở gốc cành, để lộ ra phần lõi cành khoảng 2 – 4 cm, để kích cành nhanh ra rễ và không bị thối gốc.

    Sau đó đem hom cành đi giâm ở nơi thoáng mát trong khoảng 10 – 15 ngày, khi thấy hom đã bắt đầu nhú rễ là có thể đem đi trồng hoặc có thể trồng trực tiếp vào những ngày không mưa để tránh bị thối gốc.

    4. Chuẩn bị trụ

    Thân và cành thanh long ở nước ta mềm và trườn bò chứ không tự đứng được, nên trồng thanh long thì cần phải chuẩn bị trụ và đây cũng là khoản đầu tư ban đầu tốn kém chi phí nhất. Chuẩn bị và trồng trụ trước 1 tháng trồng thanh long.

    Trụ để trồng thanh long có thể dùng các cột bằng xi măng cốt thép hoặc các thân gỗ. Các loại gỗ được sử dụng để làm trụ là các loại gỗ tốt, chắc bền và chịu được nắng mưa, lâu mục như: Gỗ căm xe (Xylia dolabriformis Benth), cẩm liên (Xylia xylocarter Taub), cà chắc (Pentaeme siamensis Kurs), sao đen (Hopea odorata Roxb).

    Ưu điểm của việc dùng các thân gỗ làm trụ là các thân gỗ ít hấp thu nhiệt hơn các trụ xi măng, các rễ cây thanh long dễ dàng bám vào mà không bị ảnh hưởng, ít tốn chi phí đầu tư hơn nhưng lại là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc tàn phá rừng.

    Ngoài ra thân gỗ sẽ dễ trở thành nơi nương náu cho các côn trùng hay các loại sâu bệnh hại, vì vậy khuyến cáo bà con nên đầu tư sử dụng trụ bằng xi măng.

    Trụ dài từ 2 – 2,1 m, có đường kính từ 12 – 20 cm hoặc tối thiểu là 15 – 15 cm. Phần trụ chôn dưới mặt đất khoảng 0,5 – 0,6 cm, phía trên đầu trụ có 4 cọng sắt được bẻ cong về 4 hướng để làm giá đỡ cho cành thanh long.

    Vườn thanh long sử dụng trụ xi măng

    5. Thiết kế vườn và cách trồng

    * Thiết kế vườn

    Cây thanh long là cây ưa sáng, chịu ảnh hưởng của quang kỳ và ra hoa trong điều kiện ngày dài. Khi được chiếu sáng đầy đủ cây sinh trưởng, phát triển tốt và nhanh ra hoa, ngược lại thiếu ánh sáng thì cây sẽ còi cọc và ốm yếu.

    Để phân bố ánh sáng đều khắp vườn, tạo điều kiện tốt nhất cho cây thì nên trồng theo kiểu nanh sấu – trồng so le các hàng cây với nhau, vừa tận dụng được tối đa đất trồng, vừa tiện cho việc chăm sóc và cây cũng sẽ có không gian phát triển tốt nhất.

    Khoảng cách trồng tốt nhất là hàng cách hàng 3 m, cây cách cây 3 m.

    * Cách trồng

    Khi đặt hom không đặt phần vỏ sát đất, chỉ cắm phần lõi gốc cành đã được gọt bớt vỏ trước đó xuống đất tầm 2 – 3 cm. Cành thanh long có 3 cạnh và có một mặt phẳng nhất thì áp sát mặt đó vào trụ, để cành ra rễ sẽ dễ bám vào trụ.

    Mỗi trụ đặt 4 hom ở 4 hướng và dùng dây buộc cố định cành hom lại, để tránh gió mạnh sẽ làm lung lay, đỗ ngã cành.

    6. Bón phân

    Tùy theo loại đất canh tác và các giai đoạn sinh trưởng mà cây thanh long sẽ có nhu cầu lượng phân bón khác nhau. Nếu đất canh tác đã giàu chất dinh dưỡng, chất hữu cơ thì nên bón ít lại để tiết kiệm chi phí.

    Ngược lại, nếu đất cằn cỗi và bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng thì phải tăng lượng phân bón để đáp ứng đủ nhu cầu của cây.

    Mỗi năm, thanh long có thể cho thu hoạch lên đến 3 vụ, vì thế cây cần được chăm sóc và đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, để tránh tình trạng năm được mùa, năm mất mùa.

    Để an toàn cho sức khỏe cũng như hạn chế được việc đất bị thoái hóa, mà vẫn đạt năng suất, chất lượng cao thì khuyến cáo nên sử dụng các loại phân bón hữu cơ.

    Bón lót: Bón trước khi trồng Sử dụng các loại phân bón hữu cơ chuyên dùng cho cây thanh long, lượng phân từ 1 – 1,5 kg/trụ, sau đó lấp đất và phủ một ít rơm rạ lên gốc rồi tưới nước để giữ ẩm.

    Bón thúc:

    Giai đoạn kiến thiết: Bón phân hữu cơ vi sinh vào năm thứ nhất khoảng 0,3 – 0,5 kg/trụ mỗi tháng, năm thứ hai sử dụng khoảng 0,5 – 1 kg/trụ vào mỗi tháng hoặc một tháng rưỡi bón 1 lần.

    Giai đoạn kinh doanh: Tính từ năm trồng thứ 3, bón phân hữu cơ vi sinh 2 lần trong năm, vào đầu và cuối mùa mưa. Mỗi lần bón 1 – 1,5 kg/trụ.

    Trong thời gian xử lý ra hoa nghịch vụ: Trước khi chong đèn từ 10 – 15 ngày, bón 1 – 1,5 kg/trụ, khi thấy nụ hoa xuất hiện thì bón 1 – 2 kg/trụ, sau khi lặt râu từ 6 – 8 ngày bón 1 – 2 kg/trụ,

    Khi trái đã được 18 – 20 ngày thì bón 0,5 – 0,7 kg/trụ. Nên sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh hoặc phân bón hữu cơ khoáng.

    7. Chăm sóc

    * Tưới nước

    Cây thanh có tính chịu hạn cao và không chịu được ngập úng, nên cần phải cung cấp đầy đủ nước cho cây vào những ngày nắng hạn kéo dài. Nhất là trong giai đoạn cây con, cây phân hóa mầm hoa và cây đang nuôi trái.

    Chu kì tưới thường 3 – 7 ngày/1 lần, tùy thuộc vào kết cấu đất, khả năng giữ nước của đất cũng như thời tiết và các giai đoạn của cây mà điều chỉnh cho phù hợp.

    Cây thanh long nếu thiếu nước sẽ sinh trưởng rất chậm, các cành mới hình thành ít, cành bị teo tóp lại và ngả vàng. Trên cây bị thiếu nước, tỉ lệ ra hoa cao đến trên 80% nhưng trái nhỏ.

    * Tủ gốc giữ ẩm: Dùng rơm rạ khô, cỏ khô để tủ gốc trong phạm vi của tán cây, giúp cây được giữ ẩm và hạn chế được cỏ dại.

    * Tỉa cành tạo tán: Cắt tỉa cành để tạo cho cây có bộ khung cơ bản đẹp, chắc chắn và thông thoáng hạn chế sâu bệnh hại cũng như các cành vô hiệu, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định, kéo dài được giai đoạn kinh doanh.

    Giai đoạn sau khi trồng, tỉa tất cả các cành chỉ để lại một cành phát triển tốt, cột áp sát cành vào cây trụ từ mặt đất tới giá đỡ.

    Trên giá đỡ, tỉa bỏ các cành tai chuột (bánh mì), những cành ốm yếu, sâu bệnh, cành già không có khả năng cho trái, và những cành khuất không nhận được ánh sáng, chỉ để lại 1 – 2 cành con trên 1 cành mẹ. Sau thu hoạch tỉa bỏ 2/3 số cành già, cành ốm, cành sâu bệnh.

    Chiều dài cành chỉ khoảng 1,2 – 1,5 m là bấm đọt, để cành phát triển tốt và nhanh cho trái. Không để cành cong xuống gần mặt đất, cách mặt đất ít nhất
    0,5 – 0,6 m để phòng ngừa bệnh hại. Mỗi năm phải tiến hành cắt tỉa cành tạo tán vào sau mỗi vụ thu hoạch.

    * Làm cỏ: Làm sạch cỏ trước mỗi lần bón phân, để cây được hấp thụ một cách tốt nhất. Nên dùng các biện pháp thủ công để dọn cỏ, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ vì các chất hóa học sẽ làm ô nhiễm và thoái hóa đất, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

    * Tỉa hoa, trái: Khi cây ra hoa, trên mỗi cành chỉ nên chừa từ 2 – 3 nụ và tỉa bỏ các nụ còn lại, các nụ chừa phải có khoảng cách xa nhau, nụ to, khỏe. Sau khi hoa nở 5 – 7 ngày thì bắt đầu tỉa trái, chỉ để lại trên mỗi cành 1 – 2 quả phát triển tốt và không có dấu vết của sâu bệnh, mỗi trụ để khoảng 11 – 12 cành cho mang trái.

    Cây thanh long được chăm sóc kĩ lương giúp đạt năng suất chất lượng vượt trội

    7. Phòng trừ sâu bệnh hại
    Thanh long thường bị các loài gây hại như ốc sên, kiến, ruồi đục trái và côn trùng bọ cánh cứng,…. Ngoài ra còn bị bệnh thối cành, đốm nâu, thán thư trên cả thân cành và quả.
    Cần phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách canh tác đúng kỹ thuật. Trồng với mật độ vừa phải không quá hẹp hay quá rộng. Cung cấp nước đầy đủ cho cây nhưng không để vườn bị ngập úng.

    Sử dụng các loại phân bón hữu cơ và bón một cách cân đối, hợp lý. Cắt tỉa cành và kết hợp với làm cỏ thường xuyên thì vườn sẽ được thông thoáng, không tạo môi trường, không tạo điều kiện để sâu bệnh hại phát sinh.

    Với những loài vật gây hại như ốc sên, kiến hay ruồi vàng thì nên dùng các biện pháp sinh học, VD: dùng VIZUBON-D để dẫn dụ và diệt ruồi đực. Hoặc bắt thủ công để không cho chúng gây hại trên cây.

    Đối với những cành bị bệnh nặng, thì loại bỏ và tiêu hủy chúng ở những nơi cách xa vườn canh tác.

    III. Kỹ thuật chong đèn thanh long trái vụ

    Vì cây thanh long là cây ngày dài, nên chong đèn với mục đích để kéo dài ngày, kích cho cây tiếp tục phân hóa mầm hoa. Thời gian chong đèn bắt đầu vào khoảng cuối tháng 3 và bắt đầu rộ vào tháng 5. Trung bình cây có 4 – 5 đợt ra hoa rộ mỗi năm.

    Cây hấp thu chủ yếu là ánh sáng đỏ và đỏ xa, nên dùng bóng đèn tròn từ 75 – 100 W sẽ hiệu quả hơn dùng ánh sáng trắng của đèn ống, có thể dùng bóng đèn compact để tiết kiệm điện. Không nên dùng đèn 200 W, vì không đem lại hiệu quả cao hơn mà còn hao tốn điện.

    Có thể bố trí 1 bóng đèn dùng cho 2 trụ hoặc cho cả 4 trụ, treo thành hàng ở giữa các trụ, treo cách mặt đất ít nhất 0,7 – 1,2 m. Nên thiết kế, bố trí sao cho các phía của cây đều được chiếu sáng, để đảm bảo cây không ra trái lệch ở một hướng nào cả.

    Thời gian chong đèn trung bình từ 15 – 20 đêm và từ 6 – 10h/đêm. Tùy vào điều kiện thời tiết mà điều chỉnh, nếu thời tiết lạnh và thời gian chiếu sáng ban ngày ít thì phải tăng thêm số đêm, số giờ chong đèn.

    Mỗi năm nếu tính cả thu hoạch trái vụ và vụ chính thì vườn có thể thu từ 10 – 11 vụ/năm, nhưng nếu cứ xử lý trái vụ và thu liên tục như vậy thì cây sẽ rất kiệt sức và đất bị thoái hóa.

    Cần phải có khoảng thời gian cho đất và cây nghỉ ngơi, để cây trồng có tuổi thọ cao, cây khỏe và ít bị bệnh hơn, đảm bảo được năng suất và chất lượng tốt, vì vậy khuyến cáo bà con chỉ nên xử lý trái vụ 3 lần/năm.

    Khi sử dụng biện pháp chong đèn, bà con cần chú ý cẩn thận trong việc nối điện, cũng như trang bị đầy đủ những vật có thể cách ly giữa các vật dẫn điện trong giàn bóng đèn của mình, để tránh xảy ra những trường hợp ngoài ý muốn, nên đặt những biển báo để những người xung quanh biết và cẩn thận hơn.

    Trên đây là những kỹ thuật cơ bản để trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa trái vụ cho cây thanh long. Là loại cây luôn được thị trường chào đón, và với kỹ thuật chong đèn để xử lý trái vụ thì cây sẽ cho trái gần như cả năm, là nguồn thu kinh tế đáng kể cho bà con. Chúc bà con thành công với vườn thanh long tươi tốt của mình nhé.

     

    Tin Liên Quan

    0 Đánh giá

    Chọn đánh giá của bạn
    Mã xác nhận