0868.979.156

Hotline bán hàng

Giao hàng Toàn Quốc

Từ 2 đến 5 ngày

Lớp phủ thực vật quan trọng như thế nào?

Shop Vật Tư Nông Nghiệp 4 năm trước 355 lượt xem

Trong canh tác theo hướng tự nhiên, người trồng cần áp dụng nhiều biện pháp phối hợp để đạt được hiệu quả phòng trị bệnh cũng như bảo vệ đất một cách tốt nhất. Trong đó, biện pháp áp dụng lớp phủ thực vật đang được áp dụng rộng rãi và nhận được nhiều sự t

    Lớp phủ thực vật quan trọng như thế nào trong canh tác tự nhiên

    Trong canh tác theo hướng tự nhiên, người trồng cần áp dụng nhiều biện pháp phối hợp để đạt được hiệu quả phòng trị bệnh cũng như bảo vệ đất một cách tốt nhất. Trong đó, biện pháp áp dụng lớp phủ thực vật đang được áp dụng rộng rãi và nhận được nhiều sự tin tưởng. Vậy lớp phủ thực vật mang đến vai trò gì trong canh tác tự nhiên?

    1. Thế nào là lớp phủ thực vật

    Lớp phủ thực vật được thực hiện bằng cách phủ lên mặt đất, gốc cây bằng những phụ phẩm trong nông nghiệp (lá, thân, cỏ,… của vụ trước) hoặc bằng các loại cây trồng xen có tác dụng che phủ như: các loài cây họ đậu, cây cỏ bản địa, các loại cây bụi sinh khối…

    2. Vai trò của lớp phủ thực vật

    2.1 Chống xói mòn (đặc biệt quan trọng với khu vực canh tác sườn dốc)

    Nguyên nhân xói mòn: Động năng của hạt nước mưa rơi xuống sườn dốc cuốn đi lớp đất mặt, độ dốc càng cao khả năng xói mòn càng lớn. 

    Vai trò: 

    • Giảm lượng đất mặt bị mất đi do xói mòn rửa trôi.
    • Rễ của lớp phủ thực vật như các “ống dẫn nước” tự nhiên tạo nên nguồn nước ngầm.
    • Tán cây giúp giảm động năng của hạt nước tiếp đất. Giữ lại bộ phận nước ở tán, thân và rễ làm giảm lưu lượng dòng chảy tức thời có thể gây lũ quét.

    2.2 Cải tạo suy giảm dinh dưỡng đất

    Nguyên nhân: Sự mất đi lớp dinh dưỡng và sự cân bằng đất được tạo ra từ hệ vi sinh vật đất. Ở đồi núi, thoái hóa có thể do chua hóa, bạc màu, chặt phá rừng làm nương rẫy, du canh du cư,… Ở đồng bằng có thể do khai thác quá mức, sử dụng quá nhiều chất hóa học độc hại, suy giảm mạch nước ngầm (mặn hóa), phèn hóa.

    Vai trò: 

    • Phục hồi độ phì nhiêu đất nhờ vào việc cung cấp liên tục sinh khối và chất hữu cơ để bù lại lượng chất hữu cơ và dinh dưỡng bị mất do khoáng hóa và rửa trôi. Trung bình 1 ha cây phủ mặt đất có thể cung cấp 500 kg Nitơ và 500 kg Kali.
    • Giảm thất thoát 35% nitơ bề mặt và 40% nitơ trong lòng đất. Từ đó, giải quyết phần nào vấn đề đạm trong canh tác hữu cơ.
    • Cải thiện độ ẩm từ 29,6% đối với đất trơ lên 35,5% đối với đất được phủ xanh 3 năm. Độ xốp tăng từ 46,4% lên 55,7%. 

    2.3 Tăng cường hệ vi sinh vật đất và quản lý cỏ dại

    Lớp phủ thực vật giúp duy trì nhiệt độ dưới 30oC, ẩm độ 60-80% tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.

    Thực vật chết đi có thể cung cấp nguyên liệu cellulose cho vi khuẩn phân giải.

    Hạn chế không gian sinh tồn của những loài cỏ dại không mong muốn, nhất là loại cỏ có thân ngầm, rễ dài ăn sâu xuống nước ngầm.

     

     

    2.4 Tăng thêm thu nhập từ nguồn thu khác

    Các loại cây trồng che phủ ngoài tác dụng bảo vệ đất, cải tạo đất còn là nguồn phụ thu hỗ trợ rất tốt.  

    Một số loại cây trồng phụ thường được dùng:

    Các loại cây họ đậu lấy hạt (đậu đỏ, xanh, đen, đậu leo, đậu nành,…): Cố định lượng đạm cho đất cao, sinh khối lớn, nguồn thu từ hạt khô cao, dễ trồng.

    Đậu mèo: Tăng sinh nhanh, sinh khối lớn, hàm lượng đạm trong thân cao khoảng 15%, bổ sung cho khẩu phần ăn của heo, gà, trâu bò.

    Đậu kiếm: Chịu hạn tốt (thích hợp đất đồi trọc), lượng đạm trong thân khoảng 20% có thể cải tạo tốt đất. Có thể trồng ở đất chua, nghèo dinh dưỡng.

    Keo lá tràm, keo tai tượng: Thân cao (có thể đến 30m) che phủ tốt cho loại cây trồng cần bóng râm. Sinh trưởng nhanh, chịu đất chua, đường kính lên đến 60cm có thể dùng làm giấy, gỗ, củi đun.

    Cúc quỳ: Sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn, phổ biến, phân hủy rất nhanh, hạn chế được sâu hại.

    Trạng nguyên: Dùng làm cây hàng rào cản dịch hại, cải thiện cảnh quan.

    Cỏ voi, cỏ sả, cỏ vetiver: Sinh khối lớn, chịu hạn chịu nóng tốt, năng suất cao. Nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho các loại gia súc.

    2.5 Lớp phủ thực vật giúp phòng trừ sâu bệnh

    Nguyên liệu: Những tàn dư gốc và lá cây còn lại trên ruộng, cỏ khô, cỏ v.v…

    Đối tượng: Sâu ngài đêm, châu chấu, bọ cánh cứng trong đất, sâu bướm trên đồng cỏ, nhậy, giun tròn, sên và ốc sên, mối,… và rất nhiều loại sâu bệnh khác.

    Phương pháp:

    Phủ một lớp dày khoảng một ngón tay lên trên đất. Lớp phủ bao gồm càng nhiều loại cây càng tốt (khô). Để tránh mối cần có cả thân cây chuối và hỗn hợp các cây hương liệu và cỏ như cây cứt lợn, cúc vạn thọ Mexico, lá bạch đàn,…

    Lớp phủ với các cây hương liệu tốt để bảo vệ cây không bị sâu ngài đêm, bọ cánh cứng trong đất, thrip, sên và ốc sên tấn công. Phủ đất trống với một lớp phủ sẽ tránh được châu chấu, sâu bướm đêm và một số loại bọ cánh cứng nhất định đẻ trứng trong đất.

    Lớp phủ với lá cây thuốc lá hoặc bột thuốc lá sẽ kiểm soát được sâu ngài đêm, sâu bướm trên đồng cỏ, thrip, sên và ốc sên và nhiều loại côn trùng khác. Nhưng không làm hại những côn trùng có ích như giun đất.

    Tần suất: Bổ sung thêm lớp phủ khi thấy lớp phủ đã bị mỏng đi. Có thể cần phải bổ sung 4 – 6 lần một năm.

    3. Một số lưu ý khi sử dụng thực vật làm lớp phủ

    Nên chọn cây phù hợp với mục đích canh tác, không chung ký chủ với cây trồng chính ở một số loại dịch hại quan trọng.

    Chăm sóc, bổ sung phân hữu cơ, phòng trừ dịch hại cho cả cây trồng phụ giúp cây bao phủ nhanh nhất nhằm hạn chế được cỏ dại

     

    Tin Liên Quan

    0 Đánh giá

    Chọn đánh giá của bạn
    Mã xác nhận