0868.979.156

Hotline bán hàng

Giao hàng Toàn Quốc

Từ 2 đến 5 ngày

Phương pháp sử dụng phân bón lá cao câp

Shop Vật Tư Nông Nghiệp 3 năm trước 383 lượt xem

Phân bón là những chất hoặc hợp chất hữu cơ hoặc vô cơ có chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu được đưa vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp với mục đích chính là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng nhằm giúp chúng sinh trưởng, phát triển tố

    PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP

    Khái niệm về phân bón

    Phân bón là những chất hoặc hợp chất hữu cơ hoặc vô cơ có chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu được đưa vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp với mục đích chính là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng nhằm giúp chúng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc thâm canh tăng năng suất, bảo vệ cây trồng và nâng cao độ phì nhiêu của đất. 

    Các thành phần dinh dưỡng có trong phân bón

    Ni tơ (N):

    Đạm là chất dinh dưỡng rất cần thiết và rất quan trọng đối với cây. Đạm là nguyên tố tham gia vào thành phần chính của clorophin, protein, các axit amin, các enzyme và nhiều loại vitamin trong cây.

    Bón đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, làm cho cây ra nhiều nhánh, phân cành, ra lá nhiều, lá cây có kích thước to, màu xanh, lá quang hợp mạnh, do đó làm tăng năng suất cây. Phân đạm cần cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn cây sinh trưởng mạnh. Trong số các nhóm cây trồng đạm rất cần cho các loại cây ăn lá như rau cải, cải bắp v.v…

    Khi thiếu N, cây sinh trưởng phát triển kém, diệp lục không hình thành, lá chuyển màu vàng, đẻ nhánh và phân cành kém, hoạt động quang hợp và tích lũy giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới suy giảm năng suất.

    Thừa N sẽ làm cây sinh trưởng quá mạnh, do thân lá tăng trưởng nhanh mà mô cơ giới kém hình thành nên cây rất yếu, dễ lốp đổ, dễ bị sâu bệnh tấn công. Ngoài ra sự dư thừa N trong sản phẩm cây trồng (đặc biệt là rau xanh) còn gây tác hại lớn tới sức khỏe con người. Nếu N dư thừa ở dạng NO3 thì khi vào dạ dày, chúng sẽ vào ruột non và mạch máu, sẽ chuyển hemoglobin (của máu) thành dạng met-hemoglobin, làm mất khả năng vận chuyển oxy của tế bào. Còn nếu ở dạng NO2 chúng sẽ kết hợp với axit amin thứ cấp tạo thành chất Nitrosamine – là một chất gây ung thư rất mạnh.

    Lân (P):

    Lân là trung tâm trong quá trình trao đổi năng lượng và Protein của cây. Là thành phần của axit Nucleic, amino axit, protein phospho–lipid, coenzym, nhiễm sắc thể,… Cần thiết cho sự phân chia tế bào, kích thích rễ và ra hoa.

    Lân có vai trò quan trọng trong đời sống của cây trồng. Lân có trong thành phần của hạt nhân tế bào, rất cần cho việc hình thành các bộ phận mới của cây.

    Lân kích thích sự phát triển của rễ cây, làm cho rễ ăn sâu vào đất và lan rộng ra chung quanh, tạo thêm điều kiện cho cây chống chịu được hạn và ít đổ ngã.

    Lân kích thích quá trình đẻ nhánh, nảy chồi, thúc đẩy cây ra hoa kết quả sớm và nhiều.
    Lân làm tăng đặc tính chống chịu của cây đối với các yếu tố không thuận lợi: chống rét, chống hạn, chịu độ chua của đất, chống một số loại sâu bệnh hại v.v…

    Khi thiếu P, lá cây ban đầu có màu xanh đậm, sau chuyển màu vàng, hiện tượng này bắt đầu từ các lá phía dưới trước, và từ mép lá vào trong. Cây lúa thiếu P làm lá nhỏ, hẹp, đẻ nhánh ít, trổ bông chậm, chín kéo dài, nhiều hạt xanh, hạt lép. Cây ngô thiếu P sinh trưởng chậm, lá có màu lục rồi chuyển màu huyết dụ.

    Thừa P không có biểu hiện gây hại như thừa N vì P thuộc loại nguyên tố linh động, nó có khả năng vận chuyển từ cơ quan già sang cơ quan còn non.

    Kali (K):

    Kali có vai trò chủ yếu trong việc chuyển hoá năng lượng trong quá trình đồng hoá các chất dinh dưỡng của cây. Giúp tăng khả năng thẩm thấu qua màng tế bào, điều chỉnh độ pH, lượng nước ở khí khổng. Hoạt hoá ezyme có liên quan đến quang hợp và tổng hợp Hydrat carbon.

    Kali làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với các tác động không lợi từ bên ngoài và chống chịu đối với một số loại bệnh. Kali tạo cho cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét.

    Kali làm tăng phẩm chất nông sản và góp phần làm tăng năng suất của cây. Kali làm tăng hàm lượng đường trong quả làm cho màu sắc quả đẹp tươi, làm cho hương vị quả thơm và làm tăng khả năng bảo quản của quả. Kali làm tăng chất bột trong củ khoai, làm tăng hàm lượng đường trong mía.

    Thiếu kali úa vàng dọc mép lá, chóp lá già chuyển nâu, sau đó lan dần vào trong theo chiều từ chóp lá trở xuống, từ mép lá trở vào. Cây phát triển chậm và còi cọc thân yếu dễ bị đổ ngã.

    Canxi (Ca):

    Có vai trò quan trọng trong việc hình thành tế bào, hình thành các mô cơ quan của cây. Chúng có ý nghĩa quan trọng trong việc trung hòa độ chua của đất cũng như việc khử độc do sự có mặt của các cation (Na+, Al3+,…) trong nguyên sinh chất của tế bào. Cùng với P, Ca là nguyên tố hàng đầu để tăng năng suất và chất lượng cây họ đậu.
    Khi thiếu Ca thì đỉnh sinh trưởng và chóp rễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các mô phân sinh ngừng phân chia, sinh trưởng bị ức chế. Triệu chứng đặc trưng của cây thiếu Ca là các lá mới ra bị dị dạng, chóp lá uốn câu, rễ kém phát triển, ngắn, hóa nhầy và chết. Canxi là chất không di động trong cây nên biểu hiện thiếu Canxi thường thể hiện ở các lá non trước.

    Lưu huỳnh (S):

    Lưu huỳnh là thành phần của một số axit amin cũng như amino axit liên quan đến hoạt động trao đổi chất của Vitamin và các Coenzyme A giúp cho cấu trúc Protein được vững chắc.

    Biểu hiện đặc chưng khi cây thiếu S cũng có hiện tượng vàng lá như khi thiếu N, tuy nhiên khác với thiếu N là hiện tượng vàng lá xuất hiện ở các lá non trước các lá trưởng thành và lá già. Khi cây thiếu S, gân lá chuyển vàng trong khi phần thịt lá vẫn còn xanh, sau đó mới chuyển vàng. Kèm theo những tổn thương trước hết ở phần ngọn và lá non, cộng với sự xuất hiện các vết chấm đỏ trên lá do mô tế bào chết.

    Magiê (Mg):

    Magiê là thành phần quan trọng của phân tử diệp lục nên nó quyết định hoạt động quang hợp của cây. Đây cũng là chất hoạt hóa của nhiều enzyme rất quan trọng đối với quá trình hô hấp và trao đổi chất của cây. Thúc đẩy hấp thu và vận chuyển lân giúp đường vận chuyển dễ dàng hơn trong cây.

    Thiếu Mg làm chậm quá trình ra hoa, cây thường bị vàng lá do thiếu diệp lục. Triệu chứng điển hình là các gân lá còn xanh trong khi phần thịt lá đã biến vàng. Xuất hiện các mô hoại tử thường từ các lá phía dưới, lá trưởng thành lên lá non, vì Mg là nguyên tố di động, cây có thể dùng lại từ các lá già.

    Sắt (Fe):

    Vai trò quan trọng nhất của sắt là hoạt hóa các enzyme của quá trình quang hợp và hô hấp. Nó không tham gia vào thành phần diệp lục nhưng có ảnh hưởng quyết định tới sự tổng hợp diệp lục trong cây. Hàm lượng sắt trong lá cây có quan hệ mật thiết đến hàm lượng diệp lục trong chúng.

    Sự thiếu hụt Fe thường xảy ra trên nền đất có đá vôi. Lá cây thiếu sắt sẽ chuyển từ màu xanh sang vàng hay trắng ở phần thịt lá, trong khi gân lá vẫn còn xanh. Triệu chứng thiếu sắt xuất hiện trước hết ở các lá non, sau đến lá già, vì Fe không di động từ lá già về lá non.

     

    Kẽm (Zn):

    Có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp chất đạm… ngoài ra còn liên quan mật thiết đến việc hình thành các chất điều hòa sinh trưởng trong cây…

    Thiếu Zn các lá non nhỏ, biến dạng, mọc xít nhau, chuyển vàng trắng và xù ra. Số hoa, quả giảm mạnh, năng suất, chất lượng thấp.

    Mangan (Mn):

    Mangan đóng vai trò xúc tác trong một số phản ứng enzyme và sinh lý trong cây, cần thiết cho quá trình hô hấp của cây. Hoạt hoá các enzyme liên quan đến sự chuyển hoá đạm và sự tổng hợp diệp lục tố. Kiểm soát thể Oxy hoá – khử trong tế bào ở các pha sáng và tối.

    Triệu chứng điển hình khi cây thiếu Mn là phần gân lá và mạch dẫn biến vàng, nhìn toàn bộ lá có màu xanh sáng, về sau xuất hiện các đốm vàng ở phần thịt lá và phát triển thành các vết hoại tử trên lá. Nếu thiếu nghiêm trọng sẽ gây khô và chết lá. Triệu chứng thiếu Mn có thể biểu hiện ở lá già hay lá non tùy theo từng loại cây.

    Bo (B):

    Bo ảnh hưởng đến hoạt động của một số enzyme. Có khả năng tạo phức với các hợp chất Polyhydroxy. Tăng khả năng thấm ở màng tế bào, làm cho việc vận chuyển Hyđrat carbon được dễ dàng. Cần cho quá trình tổng hợp và phân chia tế bào. Giúp điều chỉnh tỷ lệ K/Ca trong cây. Thiết yếu với sự tổng hợp protein trong cây.
    Khi thiếu B thì chồi ngọn bị chết, các chồi bên cũng thui dần, hoa không hình thành, tỷ lệ đậu quả kém, quả dễ rụng, rễ sinh trưởng kém, lá bị dày lên. Lá biến dạng, dày, đôi khi giòn. Vỏ quả dày, lõi thường bị thâm đen, lệch tâm năng suất. Chất lượng kém.

    Đồng (Cu):

    Đồng là nguyên tố hoạt hóa nhiều enzyme của quá trình tổng hợp protein, axit nucleic và dinh dưỡng nitơ của cây. Xúc tiến quá trình hình thành Vitamin A.

    Hiện tượng thiếu đồng thường xảy ra trên những vùng đất đầm lầy, ruộng lầy thụt. Cây trồng thiếu đồng thường hay có hiện tượng chảy gôm (rất hay xảy ra ở cây ăn quả), kèm theo các vết hoại tử trên lá hay quả. Với cây họ hòa thảo, nếu thiếu đồng sẽ làm mất màu xanh ở phần ngọn lá.

    Molypđen (Mo):

    Xúc tác trong quá trình cố định và sử dụng đạm của cây là thành phần của men khử nitrat và men nitrogense. Cần thiết cho vi khuẩn cố định đạm cộng sinh ở nốt sần cây họ đậu.

    Thiếu Mo xuất hiện đốm vàng ở gân giữa của các lá dưới, tiếp đó là hoại tử mép lá và lá bị gập nếp lại. Ở rau, các mô lá bị héo, chỉ còn lại gân giữa của lá và một vài miếng phiến lá nhỏ. Thiếu Molypden thấy rõ ở cây họ đậu.

    Clo (Cl):

    Kích thích sự hoạt động của một số enzyme và ảnh hưởng đến sự chuyển hoá hydrat carbon và khả năng giữ nước của mô thực vật. Héo chóp lá non, úa vàng lá sau chuyển màu đồng thau và chết khô.

    Các loại phân bón hiện nay

    Hiện nay có rất nhiều loại phân bón trên thị trường, dựa vào trạng thái phân, dựa vào cách bón hay nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng mà phân bón được phân chia thành nhiều loại khác nhau.

    • Phân loại theo chức năng, cách bón: phân bón rễ, phân bón lá.
    • Phân loại theo hợp chất, thành phần: phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh vật.
    • Phân loại theo trạng thái: phân bón dạng viên, phân bón dạng nước.
    • Phân loại theo nhu cầu dinh dưỡng: phân bón đa lượng, phân bón trung lượng, phân bón vi lượng.

    Phân bón lá là gì?

    Phân bón lá là loại phân bón có chứa các hợp chất dinh dưỡng hòa tan trong nước, dùng phun lên lá của cây trồng giúp cung cấp và bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng ở dạng dễ hấp thu. Phân bón lá có tác dụng nhanh chóng và hữu ích đến cây trồng, nhất là ở các điều kiện không thuận lợi cho cây trồng như hạn hán, ngập úng hay sâu bệnh hại tấn công.

    Hiện nay, các loại phân bón lá trên thị trường rất đa dạng, có thể được chia thành các nhóm theo dạng, thành phần hoặc theo cơ chế liên kết các nguyên tố dinh dưỡng.

    • Theo dạng: phân bón lá bao gồm dạng bột rắn và dạng lỏng
    • Theo thành phần có thể chia phân bón lá thành 3 loại chính là phân bón lá chỉ có các yếu tố dinh dưỡng, phân bón lá có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng và phân bón lá có bổ sung thuốc bảo vệ thực vật.
    • Theo cơ chế liên kết các nguyên tố dinh dưỡng thì phân bón lá được chia thành 3 nhóm là phân bón lá vô cơ, phân bón lá hữu cơ và phân bón lá hữu cơ khoáng.

     

    ECO - Neoro Kelp

     

    Những tác dụng của phân bón lá?

    Khi bón qua lá, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng qua hệ thống khí khổng ở bề mặt lá. Theo số liệu đã được công bố, hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng qua lá đạt tới 95%. Trong khi đó, bón qua đất, cây chỉ sử dụng được 45-50% chất dinh dưỡng. Sở dĩ như vậy là vì tổng diện tích bề mặt các lá trên một cây rộng gấp 15-20 lần diện tích đất được che phủ bởi cành và lá, nghĩa là diện tích hấp thụ chất dinh dưỡng của lá rộng hơn rất nhiều so với diện tích đất trồng của một cây. Qua khí khổng, các chất dinh dưỡng được dẫn đến các tế bào, mô cây để sử dụng.

    Trong thành phần chất dinh dưỡng của phân bón lá ngoài các nguyên tố đa lượng, còn có các nguyên tố trung lượng và vi lượng. Các nguyên tố vi lượng này tuy có hàm lượng ít nhưng lại giữ vai trò rất quan trọng vì trong môi trường đất thường thiếu hoặc không có. Do đó, khi bổ sung các chất này trực tiếp qua lá sẽ giúp đáp ứng đủ nhu cầu và cân đối dinh dưỡng cho cây nên tạo điều kiện cho cây phát triển đầy đủ trong từng giai đoạn sinh trưởng. Phân bón lá có tác dụng đặc biệt trong những trường hợp cần bổ sung khẩn cấp chất dinh dưỡng. Ngoài ra, một số phân bón lá còn bổ sung thành phần chất kích thích tăng trưởng, giúp tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, kích thích đâm chồi, ra hoa, tăng khả năng đậu quả, tăng năng suất và chất lượng của nông sản. Trong sản xuất phân bón lá, những thành phần dinh dưỡng này được phối trộn theo các quy trình khác nhau, tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu sử dụng đối với từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

    Hiện nay, bên cạnh các loại phân bón lá đã được sử dụng khá phổ biến, các loại phân bón lá mới vẫn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển, đó là các loại phân bón lá có nguồn gốc từ tự nhiên như phân bón lá vi sinh, phân bón lá sinh học, không chỉ góp phần tăng năng suất và chất lượng của cây trồng, giúp tăng cường khả năng đề kháng chống lại sâu bệnh mà còn thân thiện với môi trường.

    Cây hút thức ăn nhờ gì?

    Nhờ bộ rễ: Không phải toàn bộ các phần của rễ đều hút dinh dưỡng mà là nhờ miền lông hút rất nhỏ trên rễ tơ. Từ một rễ cái, bộ rễ được phân nhánh rất nhiều cấp, nhờ vậy tổng cộng diện tích hút dinh dưỡng từ đất của cây rất lớn. Rễ hút nước trong đất và một số nguyên tố hòa tan trong dung dịch đất như: đạm, lân, kali, lưu huỳnh, magie, canxi và các nguyên tố vi lượng khác, bộ rễ là cơ quan chính lấy thức ăn cho cây.

    Nhờ bộ lá: Bộ lá và các bộ phận khác trên mặt đất, kể cả vỏ cây cũng có thể hấp thu trực tiếp các dưỡng chất. Ở trên lá có rất nhiều lỗ nhỏ (khí khổng). Khí khổng là nơi hấp thụ các chất dinh dưỡng bằng con đường phun qua lá. Trên cây một lá mầm (đơn tử diệp) khí khổng thường phân bố cả 2 mặt lá, thậm chí mặt trên lá nhiều hơn mặt dưới lá như: lúa, lúa mì,… Trên cây ăn trái (cây thân gỗ) khí khổng thường tập trung nhiều ở mặt dưới lá. Khi dùng phân bón lá phải theo đặc điểm cây trồng và đúng hướng dẫn thì lá cây mới hấp thụ cao được.

    Khi nào bắt buộc phải bón phân qua lá:

    Rễ còn đầy đủ nhưng cây không hấp thu được dinh dưỡng.

    Nguyên nhân là do:

    • Chất dinh dưỡng bị bất động hóa do các vi sinh vật.
    • Chất dinh dưỡng bị cố định do môi trường đất và các chất hữu cơ.
    • Sự nhiễm mặn (độ EC quá cao sẽ giới hạn khả năng hấp thụ nước của rễ cây).
    • Sự bất động liên hệ tới độ pH (sự oxy hóa kim loại ở độ pH cao hoặc sự bất động của Mo ở pH thấp).
    • Sự mất cân đối dinh dưỡng trong đất (sự đối kháng giữa các ion như K và Ca).
    • Thiếu oxy (đất ngập nước). Ở những nơi đất bị thiếu nước, khô hạn sẽ ảnh hưởng đến khả năng hữu dụng của các chất dinh dưỡng có trong đất, ở điều kiện này thì việc bón phân qua lá sẽ hiệu quả hơn so với bón vào đất.
    • Rễ bị tổn thương hoặc không còn do côn trùng, nấm bệnh tấn công hoặc tổn thương cơ học (do xới xáo khi chăm bón làm đứt rễ).
    • Rễ giảm hấp thu dinh dưỡng khi cây bước vào thời kỳ ra hoa, kết trái. Muốn cây tăng năng suất, phải phun thêm qua lá để bù đắp lượng dinh dưỡng bị thiếu hụt.
    • Bón phân qua lá cũng có thể được chỉ định khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng phân phối dinh dưỡng bên trong cây. Điều này thường xảy ra nhất trong những vùng trọng điểm của các loại trái cây lớn hoặc các chùm đậu và liên quan tới cả hai sự kiện là nhu cầu tập trung cao độ vào một vùng chuyên biệt nhiều nguyên tố trong trái cây như N, K và hệ quả của khả năng cơ động thấp ở các mô libe đối với một số nguyên tố nào đó, như Ca, B chẳng hạn. Khả năng cơ động các nguyên tố bên trong cây cũng có thể bị hạn chế nếu hoa phát triển trước lá và do đó dẫn đến tình trạng hạn chế sự chuyển dịch dinh dưỡng trong các mô mao dẫn.Trong các thời kỳ hạn hán hoặc ẩm độ không khí cao cũng có thể hạn chế sự chuyển vận trong các mạch mao dẫn và ngăn cản sự phân phối các dưỡng chất bất động bởi các mô libe.

    Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng phân bón lá:

    Cung cấp dinh dưỡng qua lá không phải là phương pháp chính cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, là phương pháp mang tính tạm thời để cung cấp kịp thời và nhanh chóng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Mỗi loại phân bón lá có thành phần dinh dưỡng với các tỉ lệ khác nhau, do đó tùy thuộc vào từng loại cây và giai đoạn phát triển mà sử dụng các loại phân bón lá phù hợp, để phát huy hết hiệu quả sử dụng của chúng.

    Cây hấp thụ qua lớp cutin:

    Chất hòa tan di chuyển qua lớp cutin thông qua những lỗ hổng gọi là vi rãnh. Mức độ hấp thu ion từ việc phun qua lá thường cao hơn vào ban đêm. Để việc hấp thu dinh dưỡng cho lá có hiệu quả:

    • Phải đảm bảo nồng độ bên trong lá nhỏ hơn bên ngoài lá.

    * Trước khi phun qua lá thì tạm thời không bón qua rễ.

    * Nồng độ chất phun phải cao hơn nồng độ có sẵn trong lá. Tuy nhiên, nếu nồng độ phun quá cao sẽ gây cháy lá, hoặc cây bị bội thực (gây độc) và chết, nếu bón nồng độ thấp thì hiệu lực không rõ. Trong trường hợp này có thể khắc phục bằng cách pha nồng độ dung dịch lên cao từ từ, phun thử nghiệm, đến khi cháy lá thì quay lại nồng độ trước đó, chọn nồng độ đó để phun đại trà cho cây. Đơn giản hơn là khi sử dụng phân bón lá phải ở những nồng độ thích hợp (theo hướng dẫn in trên bao bì).

    • Phải thắng được hàng rào cản của lớp cutin

    * Phun lúc lá cây còn non khi sử dụng dụng những chất dinh dưỡng lưu động (mobile nutrients), lá còn đang phát triển thì sự chuyển dịch xuống rễ chậm hơn, điều này kích thích sự hấp thu dinh dưỡng từ rễ do bộ lá phát triển và quang hợp tốt hơn. Với các chất dinh dưỡng bất động (immobile nutrients) thì sử dụng trên cả lá già và lá non vì cả hai đều chuyển dịch chậm xuống rễ, như vậy không gây nên sự thay đổi nào hoặc có thể làm gia tăng lượng dinh dưỡng hấp thu từ rễ. Nhiều thí nghiệm cũng cho thấy phun Kali qua lá giúp tăng năng suất và lợi nhuận đáng kể trên đất hàm lượng kali trao đổi thấp.

    * Thêm chất trải có nguồn gốc silicone là cách làm tăng hiệu quả khi phun, đặc biệt là lá có lớp cutin dày. Việc thêm chất trải cũng làm giảm thiệt hại lá vì vào ban ngày, khi nhiệt độ không khí gia tăng làm giảm ẩm độ, dẫn đến sự bốc hơi nhanh chóng dung dịch phun lá và làm khô nhanh dung dịch này trên bề mặt lá.
    Khi phun urê qua lá ở nồng độ cao sẽ gây tổn thương lá nhưng có thể khắc phục bằng cách phun đồng thời đường sucrose.

    • Phun nhiều lần trong một vụ để tăng hiệu quả.

    Cây hấp thụ phân bón lá qua khí khổng

    • Nên phun lên bề mặt lá có nhiều khí khổng nhất:

    *Ở lúa: mặt trên lá mật độ khí khổng cao hơn mặt dưới lá.

    *Ở ngô, cà chua, khoai tây mặt trên lá mật độ khí khổng thấp hơn mặt dưới lá.

    *Những cây thân gỗ, đa số lỗ khí khổng đều được bố trí ở mặt dưới lá.

    • Phun phân bón lá vào lúc khí khổng đang mở:

    Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến sự đóng mở khí khổng. Do đó, nên phun khi nhiệt độ từ 10-30 độ C, trời không nắng, không mưa, không có gió khô, phân bón lá chỉ phát huy tác dụng khi cung cấp đủ nước qua rễ.

    Các loại phân bón lá

    Tính đến tháng 12 năm 2012, theo thống kê Bộ Nông nghiệp và PTNT có đến 4.683 loại phân bón lá, chiếm hơn 60% tổng số loại phân bón có trong danh mục phân bón được phép sử dụng ở Việt Nam.

    Phân bón lá rất đa dạng về chủng loại và thành phần, có thể chia thành một số loại như sau:

    • Phân bón lá loại khoáng đa lượng: Trong thành phần của loại phân bón lá này chỉ chứa một hoặc vài nguyên tố đa lượng nên chỉ có tác dụng cung cấp cho cây trồng các nguyên tố đa lượng nhất định và trong thời điểm nhất định trong quá trình sinh trưởng của cây trồng.
    • Phân bón lá khoáng vi lượng: Trong thành phần của loại phân bón lá này chứa các nguyên tố vi lượng, khi sử dụng phân bón lá giàu vi lượng giúp làm tăng năng suất đồng thời làm giảm lượng nitrate trong nông sản, đặc biệt là rau màu.
    • Phân bón lá khoáng đa vi lượng hỗn hợp: Đây là loại phân bón lá phổ biến được nhiều người sử dụng do nó cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình sinh trưởng của cây trồng.
    • Phân bón lá axit amin: Là một loại phân chứa các axit amin dưới dạng lỏng, có tác dụng tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trong các quá trình ra hoa, đậu quả.
    • Phân bón lá chứa các chất kích thích tăng trưởng thực vật, thường dùng để kích thích ra hoa trái vụ và kích thích đậu quả.
    • Phân bón lá hỗn hợp: Đây là loại phân bón lá kết hợp nhiều thành phần dinh dưỡng kể cả chất kích thích tăng trưởng, giúp cây tăng hấp thu và đồng hóa chất dinh dưỡng. Hiện nay, phân bón lá hỗn hợp rất đa dạng và được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới.
    • Phân bón lá có thành phần chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên: Đây là sản phẩm phân bón lá được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên như tảo biển, rong, thảo dược,… Là sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, không chỉ cho hiệu quả cao trong việc tăng năng suất và chất lượng nông sản mà còn bảo vệ cây trồng thông qua tăng cường sức chống chịu với những điều kiện bất lợi như thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh hại, từ đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp ổn định, cân bằng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất.

    Để tăng hiệu quả hấp thu, các công ty phân bón lá đã không ngừng cải thiện công nghệ sản xuất tạo ra những sản phẩm có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty sản xuất ra các sản phẩm còn kém chất lượng. Nên với người tiêu dùng thì cần lựa chọn những loại dung dịch phun có kích thước phân tử nhỏ có thành phần phối trộn phù hợp nhau, độ bám dính tốt và các nhãn hàng chất lượng từ các công ty uy tín.

    Phân bón lá cao cấp ECO-NEREO KELP

    phân bón lá cao cấp eco

    Phân bón lá cao cấp ECO

    Phân bón lá Eco-Nereo Kelp được sản xuất từ loại tảo biển Nereocystis Luetkeana được khai thác dọc vùng biển Bắc California và Oregon. Tảo biển rất giàu dinh dưỡng, nhất là acid amin, canxi, magie, vitamin và các khoáng chất vi lượng khác rất tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Lá tảo được thu hoạch và lên men với các enzyme phù hợp, ủ trong các thùng chuyên dụng ở nhiệt độ 55-60oF. Hỗn hợp sử dụng một lượng Acid Humic vừa đủ và quá trình chuyển đổi hỗn hợp dinh dưỡng được thực hiện. Hỗn hợp dinh dưỡng được đưa qua hệ thống SWECO 200 để hình thành sản phẩm Eco-Nereo Kelp dạng dung dịch đậm đặc.

     

    Tin Liên Quan

    0 Đánh giá

    Chọn đánh giá của bạn
    Mã xác nhận