0868.979.156

Hotline bán hàng

Giao hàng Toàn Quốc

Từ 2 đến 5 ngày

Phân loại các loại tiêu

Shop Vật Tư Nông Nghiệp 4 năm trước 261 lượt xem

Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam chúng ta đang trồng và sử dụng các loại cây Hồ Tiêu Nào. Những loại tiêu nào có thể mang hiệu quả cao cho người sử dụng nó. Đồng thời hiểu được chúng để có phương pháp chăm sóc hiệu quả cao.

    Cây hồ tiêu (Piper nigrum L.) thuộc họ Piperaceae, có nguồn gốc từ bang Tây Ghats (Ấn Độ), có lẽ đã được trồng cách nay khoảng 6000 năm (Sasikumar và ctv., 1999; Ravindran và ctv., 2000). Tuy nhiên Chevalier (1925) cho biết cây hồ tiêu chắc chắn là cây bản địa ở Đông Dương, bằng chứng là Balanca đã tìm thấy cây hồ tiêu dại ở vùng núi Ba Vì, miền Bắc Việt Nam. Ở Campuchia, người Stiêng đôi khi cũng thu hoạch hồ tiêu trong rừng.

     Chi Piper có khoảng 1000 loài, trong đó có khoảng 110 loài hiện diện ở Ấn Độ và các nước Châu Á. Các loài thuộc chi Piper có số cặp nhiễm sắc thể biến động trong khoảng 2n=36-132. Piper nigrum có bộ nhiễm sắc thể 2n=36-128, do vậy việc phân loại các giống (cultivar) hồ tiêu thường dựa vào số cặp nhiễm sắc thể.

     Các giống hồ tiêu trồng có thể có nguồn gốc từ các giống hồ tiêu mọc hoang, được thuần hoá và tuyển chọn qua rất nhiều đời trong khoảng thời gian dài. Trong số hơn 100 giống hồ tiêu được biết đến, có một số giống đã và đang dần mất đi trong sản xuất bởi nhiều lý do, chẳng hạn bị loại bỏ vì nhiễm nặng sâu bệnh hại, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng, các giống hồ tiêu bản địa dần dần được thay thế bằng một vài giống hồ tiêu cao sản trong sản xuất đại trà (Ravindran và ctv., 2000).

     Việc phân định giống dựa vào phân tích nhiễm sắc thể rất tốn kém và không phải lúc nào cũng có điều kiện thực hiện. Viện Nghiên cứu Tài nguyên Di truyền Thực vật Quốc tế đưa ra bảng chỉ dẫn dựa vào các chỉ tiêu hình thái để nhận diện giống hồ tiêu, bao gồm 29 chỉ tiêu về thân, lá và các đặc tính sinh trưởng, 30 chỉ tiêu về gié và quả (hạt tươi) và sáu chỉ tiêu về hạt (IPGRI, 1995).

     Ravindran (1991; trích dẫn bởi Ravindran và ctv., 2000) và Ravindran và ctv. (1997a, b) đã tiến hành phân tích hợp phần chính (principal component analysis) để phân định nhóm giống hồ tiêu, xác định được tám hợp phần chính bao gồm:

    1. Chỉ số kích thước lá, chiều dài lá, chiều rộng lá
    2. Độ dày lá, độ dày biểu bì dưới lá, độ dày biểu bì trên lá
    3. Tỉ lệ chiều dài lá/chiều dài gié, chiều dài gié, chiều dài cuống gié
    4. Chiều dài và chiều rộng tế bào bảo vệ (guard cell)
    5. Kích thước quả và hình dạng quả
    6. Hình dạng lá và phía gốc lá
    7. Tần suất khí khổng và mật độ diệp lục
    8.  Hình dạng lá ở cành cho quả và hình dạng lá ở cành bò (dây lươn)

    Trong 51 giống hồ tiêu được phân tích, kết quả cho thấy có 28 giống nằm chung một nhóm, và điều đáng lưu ý là Panniyur 1 nằm vào một nhóm riêng.

     Kết quả điều tra trong sản xuất được tiến hành bởi IISR cho thấy chỉ riêng ở Ấn Độ đã có 38 giống hồ tiêu được trồng phổ biến và 63 giống khác được phát hiện (IISR, 1997).

     Viện Nghiên cứu Gia vị Ấn Độ (IISR) tiến hành chương trình tuyển chọn và lai tạo giống hồ tiêu từ năm 1953 với mục đích chọn tạo được các giống hồ tiêu có khả năng cho năng suất cao và kháng được sâu bệnh. Viện đã đưa vào sản xuất giống tiêu lai Panniyur-1 cho năng suất cao và chống chịu tốt bệnh chết nhanh, và đang khu vực hoá hai giống Panniyur-2 và Panniyur-3. Hiện IISR đang trồng bảo quản và theo dõi tập đoàn 2.300 ký hiệu giống bao gồm cả 940 ký hiệu hồ tiêu hoang dại (IISR, 2005).       

    Sim và ctv. (1993) cho biết có ba giống hồ tiêu được trồng nhiều ở Malaysia, trong đó Kuching là giống được trồng phổ biến nhất, cho năng suất khá cao nhưng dễ nhiễm bệnh chết nhanh (do nấm Phytophthora sp.). Năm 1988 và năm 1991, trung tâm Sarawak đã phóng thích thêm hai giống là Semongok perak và Semongok emas. Hai giống này cho quả sớm sau khi trồng và kháng được bệnh thán thư, ngoài ra Semongok emas còn có ưu điểm ra hoa tập trung, chín đồng đều hơn, chỉ cần thu hoạch 2-3 lần, so với Kuching phải thu 4-6 lần. Semongok perak tuy có phẩm chất thơm ngon, năng suất cao trong những năm đầu kinh doanh nhưng kém bền vững sau vụ thứ ba vì dễ nhiễm bệnh chết nhanh (Paulus and Wong, 2000).

     Ở Indonesia, bên cạnh giống Bangka cho năng suất cao và được trồng phổ biến, còn có giống Belangtoeng cho năng suất trung bình, ba giống chống chịu tốt bệnh chết nhanh là Banjarmasin, Duantebei và Merefin, và hai giống chọn lọc cho năng suất cao được phổ biến trong sản xuất giữa thập niên 1990 là Natar 1 và Natar 2.

    Ở Việt Nam, giống hồ tiêu được trồng trong sản xuất hiện nay là các giống nhập nội, với đặc điểm nhân giống vô tính nên quần thể giống không phong phú như một số nước khác, mỗi vùng trồng hồ tiêu chính thường chỉ có vài giống phổ biến. Theo Phan Hữu Trinh (1988) cây hồ tiêu được đưa vào canh tác tương đối quy mô ở vùng Hà Tiên nước ta vào đầu thế kỷ thứ 19, sau đó được trồng ở nhiều vùng Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ, vùng hồ tiêu chủ yếu ở tỉnh Quảng Trị là các vùng có độ cao so với mặt biển dưới 100 mét. Các giống hồ tiêu được trồng trong thời gian này chủ yếu là các giống có nguồn gốc từ Campuchia và một số giống địa phương không rõ nguồn gốc.

    Năm 1947, giống Lada Belangtoeng có nguồn gốc từ Indonesia được nhập vào nước ta từ Madagascar, được xem là giống có nhiều triển vọng và có khả năng chống bệnh thối rễ (Phan Hữu Trinh và ctv., 1988).

    Năm 1950, Nha Khảo cứu và Sưu tầm Nông Lâm Súc miền Nam Việt Nam đã khảo nghiệm việc trồng hồ tiêu trên cao nguyên Bảo Lộc có độ cao trên 500m so với mặt biển (Nguyễn Cao Ban, 1956). Sau sáu năm khảo nghiệm tác giả này đã khẳng định hồ tiêu hoàn toàn có thể sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất khá cao dưới điều kiện khí hậu cao nguyên nước ta. Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của sáu giống hồ tiêu: Srechea, Kampot (từ Campuchia), tiêu Quảng Trị, tiêu Sơn (Pleiku), tiêu Di Linh và giống Lada Belangtoeng, tác giả đã kết luận giống Lada Belangtoeng tỏ ra hợp khí hậu vùng Bảo Lộc, sinh trưởng khỏe, ít bệnh tật, chùm tiêu dài, thơm cay, năm giống còn lại ít thích hợp hơn.

    Năm 1960, giống Lada Belangtoeng được đưa ra trồng ở Quảng Bình, Vĩnh Linh và giống cũng tỏ ra thích nghi với khí hậu vùng này, có nhiều ưu điểm về sinh trưởng, năng suất và chống đỡ bệnh tật hơn giống Quảng Trị (Lê Minh Xuân, 1981; Lê Minh Xuân và Nguyễn Văn Phấn, 1983).

    Theo Trần Văn Hoà (2001), các giống hồ tiêu có triển vọng phát triển ở nước ta gồm giống Sẻ địa phương vùng Đông Nam Bộ, các giống nhập từ Campuchia qua đường Hà Tiên là Sréchéa, Kamchay, Kampot, Kep, giống Lada Belangtoeng từ Indonesia và Panniyur-1 từ Ấn Độ.

    Các công trình nghiên cứu về giống hồ tiêu ở Việt Nam tập trung nhiều trong khoảng thời gian từ năm 1925-1954, sau khi chính quyền thuộc địa thành lập Viện Khảo cứu Nông Lâm Đông Dương (Institut de Recherches Agronomiques et Forestières de l’Indochine), nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.

    Giống hồ tiêu được nhập nội, chọn lọc và phát triển nhiều trong thập niên 1940-1950 (Phan Quốc Sủng, 2000; Việt Chương, 1999; Phan Hữu Trinh và ctv., 1987). Kể từ thập niên 1960 công tác nghiên cứu về giống hồ tiêu không được tiến hành liên tục. 

    Khi nói đến triển vọng cây hồ tiêu xuất khẩu ở miền Nam Việt Nam, Tappan (1972; trích dẫn bởi Nguyễn Phi Long, 1987) khuyến cáo nên du nhập bốn giống có ưu thế, gồm Balancotta và Kalluvalli (nguồn gốc Ấn Độ) cho năng suất cao và hạt lớn, Kuching (nguồn gốc Malaysia) cho năng suất cao, Lada Belangtoeng (nguồn gốc Indonesia) sinh trưởng khỏe và chống chịu tốt bệnh thối rễ. Chỉ trừ giống Lada Belangtoeng được nhập vào trồng khảo nghiệm ở nhiều vùng trong nước, các giống khác chưa được quan tâm nhập nội khảo sát một cách chính thức.       

    Các giống hồ tiêu được trồng phổ biến trong sản xuất hiện nay chủ yếu do nông dân tự chọn lọc từ nguồn giống địa phương hoặc du nhập từ địa phương khác, giống thường mang tên địa phương có trồng nhiều hoặc địa phương xuất xứ, do vậy có khi một giống hồ tiêu được mang nhiều tên khác nhau, nhiều giống/dòng hồ tiêu khác nhau lại mang cùng một tên. Tựu trung, các giống được trồng phổ biến có thể phân thành ba nhóm dựa trên các đặc tính hình thái, chủ yếu là kích cỡ lá:

    1) Tiêu lá nhỏ còn gọi là tiêu Sẻ, gồm phần lớn các giống hồ tiêu được trồng phổ biến ở nhiều địa phương, trong đó có các giống: Vĩnh Linh (Quảng Trị), Tiêu Sơn (Gia Lai), Di Linh (Lâm Đồng), Sẻ Đất đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nam Vang (nhập nội từ Campuchia, gồm ba giống Kamchay, Kep và Kampot).

    2) Tiêu lá trung bình gồm chủ yếu các giống hồ tiêu nhập nội từ Madagascar, Ấn Độ và Indonesia như: Lada Belangtoeng, Karimunda, Panniyur và Kuching.

    3) Tiêu lá lớn còn gọi là tiêu trâu như các giống Sẻ mỡ, Trâu Đất đỏ (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu).  Trong số các giống trên, giống Lada Belangtoeng được trồng phổ biến nhất, đặc biệt là ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (Phan Quốc Sủng, 2000). Có thể một số giống hồ tiêu có tên gọi khác nhau ở một số địa phương có nguồn gốc từ giống Lada Belangtoeng.

    Công trình của Nguyễn Văn An và Nguyễn Tăng Tôn (IAS) đã so sánh đặc tính hình thái của 20 giống hồ tiêu trồng phổ biến tại các tỉnh trồng hồ tiêu chính ở phía Nam (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông, Gia Lai và Phú Yên). Giống khảo nghiệm được đánh giá theo các tiêu chí hướng dẫn bởi Viện Tài nguyên Di truyền Thực vật Quốc tế. Việc đánh giá đa dạng di truyền dựa trên 29 đặc tính hình thái khác nhau (định lượng và định tính) nhằm phục vụ cho công tác chọn tạo giống hồ tiêu ở các tỉnh phía Nam. Dữ liệu được ghi nhận và chuẩn hóa để phân tích nhóm với phương pháp UPGMA bằng phần mềm NTSYS-pc 2.1. Kết quả cho thấy bộ giống hồ tiêu trồng phổ biến ở phía Nam khá đa dạng. Tại vị trí 8,17 của hệ số khoảng cách Euclidean trên sơ đồ cây phả hệ, 20 giống hồ tiêu được chia thành ba nhóm chính: nhóm I gồm 14 giống (Vĩnh Linh 1, Vĩnh Linh 2, Vĩnh Linh 3, Vĩnh Linh 4, Vĩnh Linh 5, Vĩnh Linh 6, Sẻ 1, Sẻ 2, Sẻ 3, Sẻ 4, Sẻ 5, Sẻ 6, Ấn Độ 4, và Ấn Độ 5); nhóm II gồm ba giống (Trâu 1, Trâu 2 và Trâu 3); và nhóm III có ba giống (Ấn Độ 1, Ấn Độ 2, và Ấn Độ 3). Trong đó, giống Vĩnh Linh 5, Sẻ 4, Vĩnh Linh 3 và Ấn Độ 4 thuộc nhóm I đạt năng suất khá cao (>5,0 kg hạt khô/trụ) và giống tiêu Trâu 2 trong nhóm II đạt năng suất cao (8,0 kg hạt khô/trụ), dung trọng trên 600 gram/lít và khá ổn định qua các năm. Mười hai cặp giống hồ tiêu có quan hệ di truyền với nhau khá gần gũi và 38 cặp giống có quan hệ di truyền khác xa nhau dựa trên khoảng cách di truyền của đặc điểm hình thái.

    http://iasvn.org/Images_upload/images/New%20Picture(44).png

    http://iasvn.org/Images_upload/images/New%20Picture%20(1)(39).png

    Các vườn hồ tiêu tại Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ được trồng bằng trụ sống, chủ yếu là cây vông (Erythrina orientalis L.) và cây lồng mức (Wrightia annamensis); ở Tây Nguyên phần lớn vườn hồ tiêu dùng trụ gỗ.

    Tiêu Vĩnh Linh: Chiều cao cây của giống biến động từ 3,5m đến 6,5m tùy theo chiều cao trụ. Phiến lá có dạng ovan mác, viền lá phẳng; chiều dài cuống lá biến động từ 1,4-1,8cm; chiều dài lá biến động 10,9-13,7cm; chiều rộng lá biến động 5,4-7,6cm. Chiều dài chùm hoa của giống biến động 8,4-9,7cm; cuống chùm hoa dài từ 1,1-1,3cm. Giống này có kết cấu quả/gié từ trung bình đến dày, riêng giống VL5 hơi thưa; giống VL3 có số quả/gié bình quân cao  nhất  (43  quả),  thấp  nhất  là  giống  VL5  (24  quả),  các  giống  còn  lại  biến  động 32-40 quả/gié; tỷ lệ đậu quả của các giống khá cao (trên 40%); chiều ngang và chiều đứng của quả biến động 5,6-5,8mm; dung trọng hạt khô khá cao (trên 580 gram/lít). Năng suất quả tươi/trụ bình  quân  biến  động  9,0-18 kg/trụ,  tại  Đông  Nam  Bộ biến  động  9,0-11,5 kg/trụ,  tại  Tây Nguyên 15-18 kg/trụ, và ở Duyên hải Nam Trung Bộ đạt khoảng 11kg. Tương tự, năng suất hạt khô của giống tại Tây Nguyên đạt cao nhất (trên 4,8 kg/trụ), hai vùng còn lại đạt khoảng 3,0 kg/trụ. Tỷ lệ tươi/khô của giống VL6 cao nhất (3,8), các giống còn lại có tỷ lệ 3,0. Năng suất của giống Vĩnh Linh không ổn định qua các năm, duy nhất giống VL5 có năng suất khá ổn định.

     

    Tiêu Sẻ: Chiều cao cây của giống tiêu Sẻ biến động 3,5-5,3m tùy theo chiều cao trụ. Phiến lá có dạng ovan mác; viền lá phẳng hoặc gợn sóng; chiều dài cuống lá bình quân biến động 1,3-1,7cm; chiều dài lá bình quân từ 10,9-12,6cm; và chiều rộng lá biến động 5,6-7,4cm. Chiều dài chùm hoa biến động 7,0-9,8cm; cuống chùm hoa dài từ 1,2-1,3cm. Giống này có kết cấu quả/gié từ thưa đến dày, riêng giống Se4 có kết cấu quả từ trung bình đến dày; kích cỡ quả ở mức trung bình; giống Se4 có số quả/gié bình quân cao nhất (45 quả), thấp nhất là giống Se6 (22 quả), các giống còn lại biến động 30-34 quả/gié; tỷ lệ đậu quả của giống khá cao (trên 43%); chiều ngang và chiều đứng quả biến động 5,6-6,0mm; dung trọng hạt khô của ba giống Se2, Se4, Se5 khá cao (trên 600 gram/lít), ba giống còn lại đạt trên 577 gram/lít. Giống tiêu Sẻ tại Đông Nam Bộ có năng suất quả tươi/trụ bình quân thấp (7,5 kg/trụ), tại Tây Nguyên đạt khá cao (trên 14 kg/trụ), ở Duyên hải Nam Trung Bộ bình quân đạt khoảng 10,4 kg/trụ. Tương tự, năng suất hạt khô tại Tây Nguyên đạt khá cao (trên 4,3 kg/trụ), giống Se4 đạt cao nhất (7,1 kg/trụ), hai vùng còn lại năng suất đạt khoảng 2,5 kg/trụ. Tỷ lệ tươi/khô của giống Se4 thấp nhất (2,8), giống Se6 khá cao (3,7), các giống còn lại khoảng 3,0. Năng suất của giống tiêu Sẻ tại hai vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ ổn định qua các năm, hai giống Se5 và Se6 có năng suất không ổn định.

    Tiêu Ấn Độ: Chiều cao cây của giống tiêu Ấn Độ bình quân  biến động 4,0-4,4 m. Phiến lá có dạng ovan mác hoặc elip mác; viền lá phẳng hoặc gợn sóng; chiều dài cuống lá biến động 1,2-1,4cm, chiều dài lá biến động từ 10,9-13,5cm; chiều rộng lá biến động 5,4-7,0cm. Chiều dài chùm hoa biến động 9,3-11,6cm; chiều dài cuống biến động 1,1-1,3cm. Kết cấu quả/gié của giống thưa, riêng giống AD5 có kết cấu quả trung bình – dày; kích cỡ quả ở mức trung bình đến lớn; số quả/gié của giống AD4 khá cao (38 quả), thấp nhất là giống AD2 (18 quả); tỷ lệ đậu quả của giống tại Đông Nam Bộ khá thấp (20%), tại Tây Nguyên biến động 32%-52%; chiều ngang và chiều đứng quả của giống AD1 và AD3 khá lớn (trên 6,1mm), các giống còn lại biến động 5,5-5,8mm; dung trọng hạt khô của các giống khá cao (trên 580 gram/lít), riêng giống AD4 đạt gần 570 gram/lít. Năng suất quả tươi/trụ bình quân biến động 6,5-15 kg/trụ, tại Đông Nam Bộ đạt từ 6,5 đến 7,5 kg/trụ, ở Tây Nguyên đạt khá cao (trên 14 kg/trụ). Tương tự, năng suất hạt khô tại Tây Nguyên đạt khá cao (trên 4,0 kg/trụ), vùng còn lại đạt dưới 2,1 kg/trụ. Tỷ lệ tươi/khô của giống AD2 cao nhất (4,2), các giống còn lại biến động 3,1-3,6. Năng suất của giống phần lớn không ổn định qua các năm.

    Tiêu Trâu: Chiều cao cây của giống vùng Tây Nguyên bình quân 3,8m, vùng Duyên hải cao 5,3m. Phiến lá đều có dạng ovan; viền lá phẳng; chiều dài cuống lá biến động 2,1-2,3cm; chiều dài lá bình quân biến động 13,9-15,2cm; chiều rộng lá biến động 8,7-9,7cm; kích cỡ lá các giống tiêu Trâu lớn hơn nhiều so với các nhóm giống Vĩnh linh, tiêu Sẻ, và tiêu Ấn Độ. Chiều dài chùm hoa biến động 9,6-10,2cm; cuống chùm hoa bình quân 1,3cm. Kết cấu quả/gié từ thưa đến trung bình, riêng giống Tr3 có kết cấu từ trung bình đến dày; giống có dạng quả tròn; kích cỡ quả trung bình; số quả/gié bình quân biến động 26-39 quả/gié; tỷ lệ đậu quả đạt trên 37%; chiều ngang và chiều đứng quả biến động 5,9-6,1mm; dung trọng hạt khô khá cao (trên 580 gram/lít). Năng suất quả tươi/trụ bình quân biến động 8,0-24,5 kg/trụ, giống Tr1 đạt thấp nhất (8 kg/trụ), giống Tr2 đạt khá cao (24,5 kg/trụ). Tương tự, năng suất hạt khô của giống Tr2 tại Tây Nguyên đạt khá cao (8 kg/trụ), hai giống còn lại biến động 2,0-2,5 kg/trụ. Tỷ lệ tươi/khô của giống Tr2 khá thấp (3,1), hai giống còn lại có tỷ lệ khá cao (4,0). Năng suất của giống Tr1 không ổn định, trong khi hai giống còn lại có năng suất khá ổn định qua các năm.

     

    Tin Liên Quan

    0 Đánh giá

    Chọn đánh giá của bạn
    Mã xác nhận